Trong quá trình sử dụng, người ta thấy một số tính năng kỹ thuật của CSTN còn bị hạn chế (như kém bền dầu mỡ, môi trường,...), nên đến đầu thế kỷ 20 nhiều loại
cao su tổng hợp (CSTH) với những tính chất đặc biệt đã lần lượt được nghiên cứu sản xuất như
cao su clopren (CR) năm 1931, butađien (BR) năm 1932, styren - butađien (SBR), nitril - butađien (NBR) năm 1937 và silicon (chẳng hạn cao su polydimetyl siloxan - PDMS) năm 1945. đến giai đoạn 1955 - 1970, trên
thị trường xuất hiện tiếp các loại cao su nhiệt dẻo như cao su etylen-propylen-đien đồng trùng hợp (EPDM), polyuretan (PU),... Các loại CSTH đã khắc phục được những hạn chế của CSTN như NBR bền dầu mỡ, CR và EPDM bền môi trường, hoặc nhiều loại cao su silicon có khả năng cách điện cao...
Tuy nhiên hầu hết các loại CSTH đều có giá thành khá cao và một số loại (như cao su EPDM, silicon) có độ bền cơ học thấp. Chính vì vậy, vấn đề phối hợp những ưu điểm của các loại CSTH với nhau hay với CSTN hoặc một số vật liệu cao phân tử khác để nhận được cao su blend, một loại vật liệu tổ hợp với những đặc tính mong muốn, đã trở thành vấn đề được quan tâm nghiên cứu từ khoảng hơn ba chục năm trở lại đây. Theo hướng này, người ta đã chế tạo và ứng dụng các loại cao su blend từ CSTN, CSTH hoặc polyme nhiệt dẻo.